Từ những thói quen ăn dặm đầu đời mà có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống và sức khỏe của em bé sau này đấy. Do đó cha mẹ cần hết sức tránh đi những thói quen ăn dặm sai lầm nhé.
Với nhiều bậc cha mẹ thì ăn dặm quả là một cuộc chiến. Bởi vì cha mẹ không chỉ cất công đi tìm hiểu những thực phẩm nào tốt cho con, lại phải chế biến làm sao hấp dẫn để cho bé ăn dặm ngon miệng hơn, sau đó là làm cách nào để con thu hút với những món ăn mới mà cha mẹ giới thiệu… Hành trình ăn dặm quả thực là đau đầu và khiến nhiều cha mẹ mất kiên nhẫn. Dù sao thì, cha mẹ cũng nên lưu ý một số điều trong việc cho bé ăn dặm dưới đây nhé.
Đồ ăn tự làm chứa ít dinh dưỡng
Không phải đồ ăn nào mẹ tự làm cũng có thể cung cấp chất dinh dưỡng tối ưu khi cho bé ăn dặm. Một số món ăn chứa ít chất dinh dưỡng, chỉ làm bé no ngang, là nguyên nhân của những vấn đề sao bé ăn nhiều mà vẫn thiếu chất. Cụ thể như:
-
Các loại bún, mì làm tại nhà: vì mẹ muốn đảm bảo vệ sinh nên sẽ làm bún, mì gạo tại nhà cho con. Nhưng những món này chứa rất ít dinh dưỡng, việc lên men nếu không đúng thì vẫn có thể làm món ăn bị nhiễm khuẩn như thường.
-
Cho con uống nước ép trái cây: cách làm này giảm dinh dưỡng của trái cây, loại trừ chất xơ. Ngoài ra, nước trái cây còn chứa rất nhiều đường và viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nên cho bé dưới 1 tuổi uống từ sớm, do có thể tăng nguy cơ béo phì và sâu răng.
-
Cho con uống nhiều súp hoặc cháo: nếu ăn lâu dài sẽ không tốt cho khả năng nhai nuốt, xử lý thức ăn của bé và làm con hấp thu dinh dưỡng kém.
-
Dùng nước hầm xương nhiều: canxi trong nước hầm xương ở dạng khó tiêu hóa, hơn nữa nước hầm cũng có nhiều chất béo, trẻ ăn vào dễ tăng cân.
Những thực phẩm tưởng là tốt nhưng không phù hợp
Khi cho bé ăn dặm, mẹ cũng khó tránh khỏi thói quen cho con ăn một số thực phẩm tưởng là tốt, nhưng thực sự thì với em bé của mẹ thì không nên ăn.
-
Các thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành thì không nên cho bé dưới 1 tuổi ăn thường xuyên, vì có thể khiến bé bị khó tiêu, đầy hơi… do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện.
-
Thực phẩm chứa chất xơ thô như măng, khoai lang, nấm… thì khả năng tiêu hóa của con chưa tốt, dễ gây ra táo bón.
-
Khi cho bé ăn dặm, cần tránh việc cho bé dưới 1 tuổi uống sữa tươi, vì có thể làm gánh nặng cho thận của bé và ảnh hưởng sức khỏe nói chung.
Những thực phẩm tiềm tàng nguy hiểm với bé
Có một số thực phẩm rất quen thuộc với nhiều gia đình, nhưng khi cho bé ăn dặm thì cha mẹ nên hạn chế vì có thể gây nguy hiểm cho bé như:
-
Không cho bé ăn dặm với lòng trắng trứng trước 1 tuổi vì có thể gây dị ứng
-
Các loại cá chứa thủy ngân
-
Các loại hạt vì có thể gây dị ứng hoặc khiến bé khó nuốt, ho, sặc…
-
Các loại trái cây nhiệt đới như dứa, xoài, kiwi, đào… thường là thực phẩm dễ gây dị ứng
Quá trình ăn dặm của bé không quá dài, nhưng cha mẹ cần thận trọng, tránh cho bé ăn dặm phải những thức ăn kể trên. Vì nếu cho bé ăn thì có thể làm con bị ảnh hưởng sức khỏe, mà tệ hơn là có thể khiến con bị béo phì, chậm lớn, chậm phát triển… Các bậc cha mẹ hãy chú ý nhé.